Công đoàn Viên chức - 10 năm, một chặng đường phát triển In trang
20/04/2012 09:44 CH

Năm 2002, trước yêu cầu đổi mới tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 15/QĐ ngày 22/4/2002.

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của LĐLĐ tỉnh, sự quan tâm của Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh và chỉ đạo theo ngành nghề thường xuyên của CĐVC Việt Nam, Ban Chấp hành CĐVC tỉnh và các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, kết quả hoạt động năm sau cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước, đã góp phần tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan và CĐCS vững mạnh.

Trong các hoạt động của CĐVC tỉnh, lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Bằng nhiều hình thức, CĐVC tập trung tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng; Nghị quyết của Đại hội Công đoàn các cấp; chính sách và pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, quyết định của HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng; tổ chức học tập 10 chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh; học tập tư tưởng đạo đức và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức các cuộc thi viết, Hội thi kể chuyện về tư tưởng và tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi tìm hiểu Nghị quyết của Đảng và về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam... Trong 10 năm, đã có hàng trăm hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phổ biến pháp luật được tổ chức; trên 95% đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức - lao động được học tập Nghị quyết của Đảng, tham gia các sinh hoạt chính trị ở cơ sở. CĐVC tỉnh, các Khối thi đua và từng CĐCS cũng đã tổ chức được nhiều Hội thao, Hội diễn văn nghệ quần chúng, thu hút một số lượng đông đảo đoàn viên tham gia. Các hoạt động văn nghệ, thể thao thường xuyên được tổ chức ở nhiều CĐCS, đã tạo thành một phong trào sôi nổi, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần trong các cơ quan, đơn vị và phục vụ nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu của CĐ cấp trên.

CĐVC cũng đã triển khai khá toàn diện các hoạt động và phong trào do Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh và CĐVC Việt Nam phát động, trong đó trọng tâm là: Thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến công tác, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến; Thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước; Thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Các phong trào, nội dung thi đua của các cơ quan, đơn vị được gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng phát động và Cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức - lao động (CBCC, VC-LĐ) “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu”. Tỷ lệ CBCC, VC-LĐ đạt Lao động tiên tiến bình quân hàng năm đạt trên 84%, Chiến sĩ thi đua các cấp đạt trên 25% đến 30%; Tập thể Lao động tiên tiến đạt trên 70%, Tập thể Lao động xuất sắc đạt từ 30% đến 50%. Tỷ lệ đoàn viên công đoàn xuất sắc đạt trên 80%, tổ công đoàn và CĐ bộ phận vững mạnh đạt từ 85 đến 90%; hàng ngàn lượt cán bộ nữ được công nhận danh hiệu “phụ nữ hai giỏi”, nhiều gia đình nữ CBCC được công nhận là “Gia đình nữ CBCC tiêu biểu”, tỷ lệ nữ CBCC hai giỏi bình quân đạt trên 95%; tỷ lệ CBCC được công nhận thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng người CBCC “Trung thành - Sángtạo - Tận tụy - Gương mẫu” đạt trên 90%/tổng số CBCC, viên chức…

CĐVC tỉnh cũng xác định việc tuyên truyền, vận động đoàn viên tham gia thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ và của tỉnh Lâm Đồng cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, Ban Thường vụ CĐVC tỉnh đã chỉ đạo thực hiện bằng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước về CCHC; phối hợp Sở Nội vụ, Hội Nhà báo tổ chức tập huấn, tổ chức cuộc thi về cải cách thủ tục hành chính; Ban chấp hành CĐCS phối hợp với chính quyền cùng cấp tuyên truyền về CCHC, tham gia với thủ trưởng đơn vị thực hiện cải cách thủ tục hành chính ngay tại cơ quan, đơn vị mình. CĐVC cũng đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Sở Nội vụ giai đoạn 2005 - 2010 về xây dựng văn hóa công sở; tuyên truyền về Chương trình CCHC, Pháp lệnh CBCC, thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan nhà nước; phối hợp với Phòng Tuyên truyền Sở Tư pháp tổ chức phổ biến văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho cán bộ CĐCS nâng cao trình độ pháp luật, từ đó có điều kiện làm tốt hơn công tác tuyên truyền và tham gia cải cách thủ tục hành chính.

Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của CBCC, VC-LĐ được chú trọng. Các CĐCS tham gia cùng với lãnh đạo cơ quan thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời duy trì tốt việc thăm hỏi, trợ cấp cho CBCC khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Nếu trước đây (trước năm 2002), việc mở hội nghị CBCC hàng năm thường rất chậm, kéo dài đến hết quý II mới tổ chức xong, số đơn vị mở hội nghị CBCC và xây dựng quy chế thực hiện dân chủ đạt rất thấp, quy trình, nội dung hội nghị CBCC chưa đảm bảo theo quy định. Nhưng tình hình đó đã dần được khắc phục, cùng với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự cố gắng của chính quyền, có sự đôn đốc, hướng dẫn của CĐVC tỉnh, hiện nay 100% đơn vị đã xây dựng được Quy chế dân chủ của cơ quan, và xây dựng gần như hoàn chỉnh, đồng bộ các loại quy chế cần thiết khác, việc mở hội nghị CBCC đúng quy trình, nội dung và đúng thời gian; tinh thần dân chủ của CBCC được tôn trọng và phát huy. Nhờ đó trong các cơ quan, đơn vị có CĐCS trực thuộc CĐVC tỉnh ít xảy ra tiêu cực, tham nhũng, xây dựng được tinh thần đoàn kết thống nhất trong cơ quan.

Hoạt động xã hội của CĐVC được duy trì thường xuyên, được CBCC hưởng ứng tích cực. Đoàn viên, CBCC mặc dù còn nhiều khó khăn trong đời sống nhưng đã chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, của CĐ về công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện; góp phần vào sự thành công của các chủ trương công tác xã hội lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và CĐ. Trong 10 năm qua, đoàn viên, CBCC, VC-LĐ đã đóng góp trên 5 tỉ đồng cho các hoạt động nói trên. Chúng ta có thể khẳng định rằng, đội ngũ đoàn viên, CBCC, VC-LĐ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội luôn luôn đi đầu trong thực hiện công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa.

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức CĐ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền luôn được coi trọng. Công tác xây dựng CĐCS vững mạnh được CĐVC tỉnh chỉ đạo sâu sát với thực tế, với từng loại hình CĐCS, có đổi mới cách thức chấm điểm. Từ đó, chất lượng CĐCS vững mạnh được nâng lên hàng năm, phong trào CĐ ngày càng phát triển. Nếu như năm 2002, tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh chiếm 81,25%, trong đó CĐCS xuất sắc chiếm 6,25%; đến năm 2006, tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh chiếm 90,06 %, trong đó vững mạnh xuất sắc chiếm 35,84 %; và năm 2011, CĐCS vững mạnh đạt 91,4%, trong đó vững mạnh xuất sắc đạt 50%.

Với những thành tích hoạt động của các CĐCS và của BCH CĐVC tỉnh, 10 năm qua, đoàn viên và CĐ các cấp của CĐVC tỉnh đã được tặng 1.452 giấy khen; 460 Bằng khen của LĐLĐ tỉnh, CĐVC Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam; 17 Cờ thi đua xuất sắc toàn diện và Cờ chuyên đề của LĐLĐ tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Năm 2011, CĐVC tỉnh được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Cờ thi đua xuất sắc của CĐVC Việt Nam. Về các hình thức khen thưởng của Nhà nước, có một tập thể đoàn viên, CBCC được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân đoàn viên, CBCC được tặng Huân chương Lao động.

Phát huy truyền thống và thành tích của 10 năm qua, CĐVC tỉnh và các CĐCS ra sức thi đua, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1 - Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng CĐCS vững mạnh, tham gia hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng Đảng, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận CBCC theo tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa XI của Đảng

2 - Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, CBCC, VC-LĐ, nâng cao nhận thức chính trị và phẩm chất đạo đức của đoàn viên, CBCC, VC-LĐ, xây dựng đội ngũ CBCC, VC-LĐ theo tiêu chuẩn của cuộc vận động xây dựng người CBCC “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu” và theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh.

3 - Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, CĐ phát động bằng hành động cụ thể; vận động đoàn viên thực hiện cải cách thủ tục hành chính; phối hợp thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ, phát huy dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của chuyên môn và của CĐ.

4 - Tổ chức tốt Đại hội CĐCS nhiệm kỳ 2012-2015 tiến tới Đại hội CĐVC tỉnh lần thứ III, Đại hội CĐ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII, Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm 2012.

NGUYỄN ĐÌNH HÒE (Chủ tịch CĐVC tỉnh)

Lượt xem: 621