Khái quát lịch sử In trang
01/10/2021 04:33 CH

ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH LÂM ĐỒNG - QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

 

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ THAM GIA LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (1976-1986)

1. Quá trình hình thành và phát triển.

- Năm 1975, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới tạo tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hết sức khó khăn bởi hậu quả của chiến tranh để lại khá nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đặc biệt là các tổ chức phản động chống phá cách mạng. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa thiếu lại vừa yếu về kiến thức, kinh nghiệm quản lý kinh tế xã hội… đòi hỏi nhiều vấn đề cần giải quyết để sớm ổn định, phát triển. Thực hiện nghị quyết Hội nghị Tỉnh uỷ (khoá I) tháng 3/1976 về củng cố Đảng bộ cơ quan các cấp. Theo đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Đảng đoàn Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 34-NQ, ngày 04/6/1976, thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Lâm Đồng[1], là tổ chức Đảng cấp trên của các tổ chức cơ sở bao gồm: Đảng ủy Dân Chính Đảng,  Đảng ủy Ty An ninh, Đảng ủy Trường bổ túc văn hoá công nông, Đảng uỷ Ty Thương nghiệp và 32 chi bộ các cơ quan khối Dân Chính Đảng. Tổng số đảng viên của Đảng bộ khi mới thành lập là 827 đồng chí (nữ: 156 đồng chí). Tỉnh ủy chỉ định Ban chấp hành lâm thời của Đảng bộ gồm 15 đồng chí, đồng chí Hoàng Giang, Tỉnh uỷ viên dự khuyết, Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ làm Bí thư Đảng uỷ; đồng chí Hồ Thanh Phước, Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ làm Phó Bí thư Đảng uỷ; ủy viên Thường vụ gồm các đồng chí Vũ Linh - Bí thư Đảng ủy an ninh - Phó Ty an ninh; đồng chí Huỳnh Cao - cán bộ Ủy ban kế hoạch và đồng chí Lê Trung Thuận, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

- Ngày 20/2/1978, Ban Bí thư Trung ương ban hành Quyết định số 14-QĐ/TW[2], nêu rõ: “Các tổ chức cơ sở đảng ở các cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao về các Đảng bộ thành phố, thị xã, quận, khu phố”. Thi hành Quyết định số 14, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chủ trương “giải thể Đảng uỷ các cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh và chuyển giao các tổ chức cơ sở đảng ở các cơ quan cấp tỉnh đóng tại thành phố Đà Lạt; chuyển các Đảng bộ cơ quan Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thành Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ”. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện việc chuyển các cơ sở đảng của các cơ quan cấp tỉnh về sinh hoạt ở đảng bộ huyện, thị xã và thành phố, Trung ương Đảng nhận thấy vai trò của cấp uỷ và tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị không được phát huy; công tác xây dựng Đảng về chính trị và tổ chức bị hạn chế; một số vụ việc xảy ra giải quyết không được kịp thời; Thành uỷ lại quản lý quá nhiều đầu mối, chủ yếu là quan tâm đến công tác xây dựng cơ sở đảng ở các xã, phường, còn vai trò hạt nhân lãnh đạo của cơ sở đảng các ngành cấp tỉnh ít được phát huy tác dụng.

- Ngày 8/11/1982, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 12-QĐ/TW, nội dung quyết định chỉ rõ: “Về công tác đảng vụ, nếu nơi nào đã giao về thành uỷ trực thuộc tỉnh hoặc quận, thị uỷ mà Đảng bộ hoạt động tốt thì vẫn để như cũ. Nếu xét thấy cần thì có thể lập Đảng uỷ khối trực thuộc Thành uỷ, Tỉnh uỷ”. Sau đó, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Thông tri số 3395-TT/TW, ngày 28/12/1982, về việc chỉ đạo các Tỉnh uỷ thành lập Đảng bộ các cơ quan cấp tỉnh theo các khối công tác trực thuộc Tỉnh uỷ. Thực hiện chủ trương trên, ngày 20/5/1983, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU v/v “Quy định thành lập các Đảng bộ khối cơ quan” [3](gọi là Đảng ủy khối) trực thuộc Tỉnh ủy, đồng thời ban hành quyết nghị số 04-NQ/TU về những quy định thành lập các Đảng bộ khối[4]. Trong năm 1983 có 5 Đảng ủy khối được thành lập và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm Khối Dân Đảng, Khối Nội chính tổng hợp, Khối Kinh tế kỹ thuật, Khối Phân phối lưu thông và Khối Văn xã.

- Sau hơn một năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành các Nghị quyết:

+ Nghị quyết số 34, thành lập “Đảng bộ khối các cơ quan Dân Đảng tỉnh”. BCH lâm thời gồm 13 đồng chí, Đ/c Nguyễn Quán Huệ - Tỉnh uỷ viên - Phó BTC Tỉnh uỷ làm Bí thư Đảng uỷ, Đ/c Nguyễn Khắc Tự làm Phó Bí thư chuyên trách.

+ Nghị quyết số 35, thành lập Đảng bộ khối các cơ quan chính quyền, BCH lâm thời gồm 11 đồng chí, Đ/c Trần Mạnh Cừ - UV.Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ làm Bí thư Đảng uỷ,  Đ/c Nguyễn Ngọc Thạnh làm Phó Bí thư chuyên trách.

+ Nghị quyết số 36, thành lập Đảng bộ khối các cơ quan Kinh tế - kỹ thuật. Tổng số TCCSĐ trực thuộc là 21. Chỉ định BCH lâm thời gồm 11 đồng chí, Đ/c Phan Lê (Ba Lê) - Phó Ban kinh tế Đảng làm Bí thư Đảng uỷ; Đ/c Võ Thống làm Phó Bí thư chuyên trách; Đ/c Lê Xuân Thêm uỷ viên Ban Thường vụ chuyên trách.

Như vậy từ 05 Đảng bộ khối cơ quan trực thuộc Tỉnh uỷ, đến 1984 còn lại 03 Đảng bộ khối, gồm khối cơ quan dân đảng, khối cơ quan chính quyền, khối cơ quan kinh tế- kỹ thuật.

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị

Tuy nhiều lần chia tách, sát nhập, chuyển đổi nhưng Đảng bộ Khối các cơ quan dân chính đảng đã thể hiện được vị trí, vai trò là đảng bộ cấp trên cơ sở, lãnh đạo các TCCSĐ trong khối, đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

- Lãnh đạo cán bộ, nhân dân ra sức bảo vệ thành quả cách mạng, bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, thi đua lao động sản xuất, phục hóa, khai hoang hàng ngàn heta đất trồng trọt, huy động hàng chục vạn ngày công đã góp phần hoàn thành hàng chục công trình thủy lợi, tạo điều kiện để thực hiện phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, khôi phục các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp và một số cơ sở công nghiệp, từng bước tổ chức hệ thống mậu dịch quốc doanh, ngân hàng nhà nước, quản lý tiền tệ, giá cả, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu đói…

- Lãnh đạo các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giành 3 điểm cao, tham gia cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khoẻ, tham gia lao động xã hội chủ nghĩa; tăng gia tự túc, đảm bảo 3 tháng lương thực của cán bộ, công nhân viên chức. Xây dựng nếp sống mới, con người mới. Công tác phát triển đoàn viên, hội viên của các đoàn thể thu được nhiều kết quả, nhất là tổ chức Phụ nữ, Thanh niên và Nông hội.

- Giáo dục được quan tâm, phát triển, đáp ứng yêu cầu về số lượng trường, lớp và số học sinh. Công tác bổ túc văn hoá, bình dân học vụ cũng đạt được những kết quả bước đầu. Đội ngũ giáo viên các cấp qua các đợt bồi dưỡng, tập huấn về chính trị, nghiệp vụ hầu hết có chuyển biến tiến bộ. Lĩnh vực y tế đã tiếp quản và duy trì các tuyến điều trị tiếp tục phục vụ nhân dân, phát triển thêm 70 cơ sở y tế xã (trong tổng số 72 xã và khu phố) với 1.130 giường bệnh trong hệ thống điều trị từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân, ngăn chặn kịp thời một số dịch bệnh nguy hiểm.

- Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, cán bộ, đảng viên, cấp uỷ các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ hơn tình hình nhiệm vụ mới; tạo được sự nhất trí cao với đường lối của Đảng, củng cố về lập trường quan điểm, ý chí chiến đấu, tinh thần trách nhiệm, tác phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Tuy vậy, công tác xây dựng Đảng còn một số hạn chế như: sinh hoạt chi bộ chưa đều, chưa đi vào nề nếp, chất lượng sinh hoạt không cao, chưa phát huy được vai trò lãnh đạo, nhất là trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng. Các chi bộ ở cơ sở tỷ lệ đảng viên trẻ, đảng viên nữ, đảng viên tại chỗ thấp nên việc thâm nhập vào phong trào quần chúng chưa sâu sát, chưa thể hiện được hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Tổ chức bộ máy và cán bộ nói chung chưa thật ổn định, sự hình thành và phát triển tổ chức còn mang tính chắp vá, tùy thuộc vào số lượng cán bộ bổ sung nên phát triển không cân đối. Biên chế của từng ngành chưa được quy định rõ, lại có chiều hướng tăng biên chế hành chính. Nhiệm vụ chức năng từng bộ phận, từng đồng chí trong cấp ủy chưa xác định rõ ràng, còn chạy theo sự vụ.

II. ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN DÂN CHÍNH ĐẢNG TỈNH VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG VÀ XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH (1986 - 2000)

1. Sự hợp nhất 3 đảng bộ khối thành Đảng bộ Khối các cơ quan dân chính đảng tỉnh.

Năm 1986, trong tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng của cả nước, những sai lầm về cải cách giá-lương-tiền, lạm phát tăng cao. Trên thế giới, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu có các dấu hiệu tan rã. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá ta trên nhiều lĩnh vực. Đối với tỉnh Lâm Đồng, nền kinh tế mất cân đối nhiều mặt, nhất là trong sản xuất và phân phối lưu thông, công tác quản lý xã hội còn nhiều lúng túng, hạn chế... Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp đó, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

- Ngày 27/11/1986, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định số 87- QĐ/TU sát nhập các Đảng uỷ khối Dân Đảng, khối Chính quyền, khối Kinh tế - Kỹ thuật để thành lập Đảng bộ khối các cơ quan Dân chính Đảng tỉnh Lâm Đồng. Chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 13 đồng chí, đồng chí Hà Huy Do - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ làm Bí thư Đảng uỷ kiêm chức; đồng chí Nguyễn Ngọc Thạnh nguyên là Phó Bí thư khối chính quyền làm Phó Bí thư chuyên trách và đồng chí Nguyễn Đức Ba, Tỉnh ủy viên, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Phó Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm.

Lần đầu tiên bộ máy của Đảng ủy có 04 đồng chí chuyên trách làm công tác đảng là đồng chí Nguyễn Ngọc Thạnh - Phó Bí thư Đảng ủy Thường trực; đồng chí Lê Xuân Thêm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ chuyên trách Tuyên huấn; đồng chí Lương Xuân Nang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ chuyên trách công tác kiểm tra; đồng chí Nguyễn Ánh Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách công tác Tổ chức. Cũng từ thời điểm này, Đảng bộ khối Dân chính Đảng chính thức ổn định tổ chức và hoạt động.

- Ngày 19/5/1988,Do yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định số 134-QĐ/TU, điều động đồng chí Trần Hữu Lục - Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Lâm Đồng về làm Bí thư Đảng ủy thay đồng chí Hà Huy Do -Bí thư Đảng ủy đi nhận nhiệm vụ khác.

2. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân chính Đảng tỉnh lần thứ nhất.

Đại hội lần thứ I đã diễn ra từ ngày 25 đến 27/01/1989, tại Hội trường Tỉnh ủy, có 172 đại biểu của 48 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, thay mặt cho hơn 800 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ Dân chính Đảng khoá I gồm 17 đồng chí; Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 5 đồng chí, đồng chí Lý Văn Nam -Tỉnh uỷ viên được bầu làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Lê Xuân Thêm - Phó Bí thư Đảng uỷ; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Ba, Hồ Thọ, Lương Xuân Nang.

Sau khi ổn định tổ chức Đảng bộ Khối đã lãnh đạo các TCCSĐ trực thuộc thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV. Đại hội lần thứ nhất đã đề ra nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là phải tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là phục vụ, thúc đẩy công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; chăm lo xây dựng đảng về mặt tổ chức, nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng, tăng cường công tác phát triển đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường công tác kiểm tra của đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo và công tác  của cấp ủy các cấp.

Với những kết quả đạt được của Đảng bộ khối Dân chính Đảng trong những năm đầu đổi mới đã cho thấy bước trưởng thành rõ rệt về kinh nghiệm và tư duy lãnh đạo của Đảng ủy cũng như của các tổ chức cơ sở đảng trong trong toàn Đảng bộ; trong đó có những vấn đề hết sức mới như tư duy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; tư duy quản lý cán bộ, đảng viên và nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của TCCSĐ; tư duy đổi mới phong cách lãnh đạo của Đảng…

3. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân chính Đảng lần thứ II

Sau 4 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước có những chuyển biến quan trọng theo hướng ngày càng tốt lên, tình hình kinh tế - xã hội có tiến bộ rõ rệt, nước ta từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội. Tình hình thế giới có tác động ảnh hưởng sâu sắc do khủng hoảng nghiêm trọng của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu, và Liên Xô tan rã. Các thế lực phản động trong nước cho rằng đây là cơ hội của chúng. Bọn phản động ở ngoài nước phối hợp với bọn phản động quốc tế mở chiến dịch “chuyển lửa về quê nhà”, tiếp tục bao vây cô lập hòng làm ta suy yếu, chúng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm xóa bỏ Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta. Trước tình hình đòi hỏi yêu cầu phát triển mới của công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng với các văn kiện dự thảo hết sức quan trọng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Chiến lược kinh tế xã hội 10 năm 1991 – 2000.

- Vòng 1. Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị cấp bách, Đại hội đại biểu lần thứ 2 (vòng 1) của Đảng bộ diễn ra từ ngày 23/3 đến 25/3/1991, có 128 đại biểu đến từ 53 TCCSĐ trực thuộc tham dự. Đại hội đã thực hiện hai nội dung chính: Góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII; Bầu cử đại biểu dự đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ V. Đại hội đã thảo luận và thông qua các báo cáo tổng hợp góp ý các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII từ đại hội (vòng 1) của các tổ chức cơ đảng, quán triệt sâu sắc các quan điểm của dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược kinh tế  - xã hội 10 năm (1991 – 2000) và báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

  - Vòng 2: Diễn ra từ ngày 6 đến ngày 7/11/1992, với 115 đại biểu chính thức của 50 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Đại hội tập trung vào 03 nội dung: Thảo luận và thông qua Báo cáo Chính trị của Đảng bộ; Xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) về đổi mới và chỉnh đốn Đảng;  Bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa II.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 17 đồng chí, Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 05 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Thành - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh – được bầu làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Hà Phước Toản - Phó Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ.

Đại hội lần thứ II diễn ra 2 vòng và Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (tháng 5/1994) trong bối cảnh đất nước có những chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng phát triển, công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 1991 - 2000; Nghị quyết hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) về đổi mới và chỉnh đốn Đảng… đã có ảnh hưởng rất lớn đến Đảng bộ khối; thực hiện những văn kiện trên của Đảng, Ban chấp hành Đảng bộ khối đã chủ động lãnh đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh gắn với tập trung giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực tự cường, tiếp tục chỉnh đốn và đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vô tổ chức; khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực nhằm xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức.

Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào khủng hoảng, nền kinh tế trong nước chuyển đổi về cơ chế quản lý, Đảng ủy và cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng đã quan tâm đặc biệt đến công tác chính trị tư tưởng, phân tích sâu sắc nguyên nhân sụp đổ, tan rã của các Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô và âm mưu của các thế lực phản động trong và ngoài nước hòng xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mặc dù, có một số ít đảng viên hoang mang, dao động trước tình hình trên, thậm chí có đảng viên bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi Đảng… nhưng có thể khẳng định rằng phần lớn cán bộ, đảng viên trong khối các cơ quan Dân chính Đảng tỉnh giữ được bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo; không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; giữ vững niềm tin vào lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

4. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân chính Đảng lần thứ III

Diễn ra từ ngày 23 đến 25/3/1996. Dự Đại hội có 107 đồng chí đại biểu, đại diện cho 775 đảng viên và 58 tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ. Đại hội lần thứ III bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 23 đồng chí, Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 07 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Thành - Tỉnh uỷ viên tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Phạm Kim Khang được bầu Phó Bí thư Đảng uỷ. Đảng ủy bầu Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy gồm 05 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thị Kim được bầu là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.

Đến cuối năm 1996, theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh, 2 Đảng bộ cơ sở là Ngân hàng Nhà nước Tỉnh và Bưu điện tỉnh chuyển về Đảng bộ khối Doanh nghiệp.

Nhiệm kỳ này là giai đoạn tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI; xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm với nhiệm vụ mới, tạo cơ sở góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quy chế hoạt động cho phù hợp với chức năng lãnh đạo của Đảng bộ; đôn đốc, kiểm tra nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo chiều sâu, sinh hoạt chuyên đề; tăng cường phối hợp giữa Đảng ủy với các Ban xây dựng Đảng, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức cán bộ, lãnh đạo các đoàn thể. Mục tiêu xây dựng Đảng bộ giai đoạn này là: Đảng bộ tiếp tục đổi mới, tự chỉnh đốn; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, khắc phục được các khuyết điểm, các biểu hiện tiêu cực, yếu kém thời gian qua. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, phẩm chất cách mạng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới, coi trọng xây dựng đoàn thanh niên, công đoàn vững mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (lần 2); xây dựng Đảng bộ khối trong sạch, vững mạnh và cùng với các đảng bộ trong tỉnh nhanh chóng đưa tỉnh ta vượt qua tình trạng nghèo và kém phát triển, chuẩn bị các tiền đề cần thiết cho bước phát triển cao hơn của Đảng bộ sau năm 2000.

5. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân chính Đảng lần thứ IV (nhiệm kỳ 2000-2005)

Diễn ra trong 03 ngày, từ 04 đến 06/12/2000 với sự tham gia của 144 đại biểu, thay mặt cho 925 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã thảo luận và thông qua nhiều báo cáo: Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành khoá III; Báo cáo kết qủa thực hiện Nghị quyết TW6 (lần 2). Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 20 đồng chí; Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 06 đồng chí; Đồng chí Phạm Kim Khang được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ khoá IV. Đại hội cũng đã bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ khối Dân chính Đảng gồm 18 đại biểu chính thức và 03 đại biểu dự khuyết đi dự đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII. Đến tháng 8/2001 đồng chí Phạm Kim Khang - Tỉnh uỷ viên được bầu làm Bí thư Đảng uỷ. Tháng 11/2001 đồng chí Nguyễn Thị Kim được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ Dân chính Đảng khóa IV.

Tháng 6/2003 đồng chí Trần Văn Phước - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Lạc Dương được Tỉnh ủy điều động về làm Bí thư Đảng uỷ Dân chính Đảng thay đồng chí Phạm Kim Khang nhận nhiệm vụ khác.

Nhiệm kỳ 2000 - 2005 là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là: Quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, tiếp tục đổi mới, tiếp cận nhanh nền kinh tế tri thức để không ngừng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổ chức, chỉ đạo, điều hành, khai thác tối đa mọi nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Căn cứ Hướng dẫn số 14-HD/TW ngày 22/11/2002 của Ban tổ chức Trung ương về "Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Đảng ủy khối cơ quan Dân chính Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy"  và các Quy định số 96, 97, 98-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Đảng ủy khối đã lãnh đạo việc xây dựng quy chế làm việc và tập trung thực hiện nhiệm vụ là: Nâng cao trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; khẳng định vai trò, hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đưa tự phê bình và phê bình vào nề nếp; tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, xoá cơ sở đảng yếu kém. Phát huy bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng, khắc phục có hiệu quả những mặt yếu, kém, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng suy thoái đạo đức, tiêu cực, đưa ra khỏi Đảng và cơ quan Nhà nước những đảng viên, cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ Dân chính Đảng trong sạch, vững mạnh.

6. Đại hội đại biểu Đảng bộ Dân chính Đảng lần thứ V (nhiệm kỳ 2005-2010)

Diễn ra từ ngày 10 đến 12/10/2005 tại hội trường Tỉnh ủy, dự đại hội có 222 đại biểu chính thức đại diện cho 1.320 đảng viên sinh hoạt tại 70 TCCSĐ trực thuộc trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã thực hiện tốt bốn nội dung theo tinh thần Chỉ thị 46-CT/TW, chỉ thị 39-CT/TU. 

Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 21 đồng chí. Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành (khóa V) đã bầu Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 07 đồng chí; đồng chí Đặng Văn An -Tỉnh uỷ viên được bầu làm Bí thư Đảng uỷ; đồng chí Nguyễn Thị Kim và Lê Thị Vân được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ.

Điểm mới của Đại hội V là Ban chấp hành được trẻ hoá đội ngũ, tăng số lượng đảng uỷ viên chuyên trách chiếm 47,6%, số lượng ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ chuyên trách cũng tăng lên 6/7 đồng chí, tạo điều kiện chủ động trong lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác của Đảng uỷ, Ban Thường vụ Đảng uỷ. Đại hội cũng đã bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ khối Dân chính Đảng gồm 17 đồng chí đi dự đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII.

Tháng 7/2006, đồng chí Đỗ Trọng Nghĩa - Tỉnh uỷ viên, Phó Ban tổ chức Tỉnh uỷ được điều động về làm Bí thư Đảng uỷ khối Dân chính Đảng thay đồng chí Đặng Văn An nhận nhiệm vụ mới.

Nhiệm kỳ 2006 - 2010 là giai đoạn thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy; đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên, có hiệu quả cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII; nâng cao tính chiến đấu, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp trong đó phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng.

Các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ khối đã có bước chuyển biến đáng kể trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò trong việc xác định và lựa chọn những khâu đột phát, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế xã hội. Tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Trong nhiệm kỳ này, Đảng ủy đã ban hành 03 nghị quyết chuyên đề và các chương trình, kế hoạch hành động, trong đó trọng tâm là: Nghị quyết số 02-NQ/ĐU ngày 19/02/2008 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn thanh niên khối Dân chính Đảng trong tình hình mới"; Nghị quyết  số 03-NQ/ĐU ngày 18/11/2008 "Tăng cường sự lãnh đạo về công tác tư tưởng trước yêu cầu mới"; Nghị quyết số 04-NQ/ĐU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn khối Dân chính Đảng trong tình hình mới". Chỉ đạo Đại hội Hội Cựu chiến binh khối Dân chính Đảng lần thứ II (nhiệm kỳ 2007 - 2012) thành công tốt đẹp. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, Đảng ủy đã tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tích cực hưởng ứng các phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong từng cơ quan, đơn vị và trong toàn Đảng bộ. Duy trì nề nếp sinh hoạt chính trị dưới cờ vào sáng thứ hai hàng tuần, tổ chức các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống nhân các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, địa phương để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Đặc biệt đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng trực thuộc, lãnh đạo cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc đăng ký xây dựng cơ quan văn hoá, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện cải cách hành chính…

7. Đại hội đại biểu Đảng bộ khối Dân Chính Đảng lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010-2015)

Diễn ra từ ngày 11đến ngày13/8/2010  tại Hội trường Tỉnh ủy, với sự tham dự của 226 đại biểu đại diện cho 1.895 đảng viên của Đảng bộ. Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương; xây dựng Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh trong sạch, vững mạnh

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 26 đồng chí; hội nghị Ban chấp hành lần thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 9 đồng chí; đồng chí Phạm Văn Vượng-Tỉnh ủy viên, được bầu làm Bí Thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Văn Phan và Nguyễn Thanh Bình được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy khối. Đại hội bầu đoàn đại biểu gồm 16 đồng chí đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX. Đảng ủy đã bầu UBKT Đảng ủy gồm 5 đ/c, đ/c Nguyễn Trọng Thanh - UVBTV làm chủ nhiệm UBKT Đảng ủy.

Ngày 23/3/2010 Ban Bí Thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 293-QĐ/TW về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, thành phố”. Trên cơ sở đó, ngày 24/8/2010 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1429-QĐ/TU đổi tên "Đảng bộ khối Dân chính Đảng tỉnh Lâm Đồng" thành "Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng".

Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) là giai đoạn thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh với tinh thần “Phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết, nhất trí, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị”.

Trong nhiệm kỳ, Đảng uỷ Khối đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp uỷ các cấp theo hướng khoa học, sâu sát với cơ sở, xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận của chính quyền; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; xây dựng và triển khai kế hoạch về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; kế hoạch củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém, cụ thể hoá tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, quyết định việc sử dụng hộp thư điện tử trong toàn Đảng bộ Khối, xây dựng trang thông tin điện tử, đổi mới hình thức thu nộp đảng phí qua tài khoản; đổi mới phương pháp nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, cải tiến chế độ thông tin, báo cáo, chế độ hội họp; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo…. Qua đó từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo, điều hành của Đảng uỷ Khối, và cấp uỷ các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, công tác tham mưu trên các lĩnh vực của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chất lượng cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ.

8. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020)

Diễn ra từ ngày 16/8 đến ngày 18/8/2015 tại Hội trường Tỉnh ủy, dự đại hội có 197 đại biểu chính thức được triệu tập tham dự, đại diện cho hơn 2500 đảng viên đang sinh hoạt tại 72 TCCSĐ trực thuộc trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã bầu BCH gồm 27 đồng chí. Hội nghị lần thứ nhất BCH (khóa VII) đã bầu BTV Đảng uỷ gồm 09 đồng chí, Đ/c Phạm Văn Vượng - Tỉnh uỷ viên được bầu làm Bí thư Đảng uỷ; Đ/c Nguyễn Thanh Bình và Trần Trung Hiếu được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ. Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy gồn 5 đống chí, Đồng chí Nguyễn Trọng Thanh - UV.BTV được bầu làm Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy.

Mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ này là: Phát huy vai trò, vị trí của Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo từng chức danh cán bộ, đổi mới phương pháp học tập, triển khai thực hiện nghị quyết, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nỗ lực vượt mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2015-2020, góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển bền vững.

Ngày 01/04/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quyết định điều động đồng chí Vũ Kim Sinh - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy Đam Rông về làm Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh thay đồng chí Phạm Văn Vượng - nghỉ chế độ.

Đến ngày 01/04/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quyết định điều động đồng chí Phạm Thanh Quan - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về làm Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh thay đồng chí Vũ Kim Sinh - nghỉ hưu. Điều động đồng chỉ Nguyễn Thị Phương Thảo - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh thay đồng chí Trần Trung Hiếu nhận công tác mới.

9. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Diễn ra từ ngày 19/8 đến ngày 21/8/2020 tại Hội trường Tỉnh ủy, dự đại hội có 210 đại biểu chính thức được triệu tập tham dự, đại diện cho hơn 2700 đảng viên đang sinh hoạt tại 68 TCCSĐ trực thuộc trong toàn Đảng bộ. Với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy dân chủ, vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đoàn kết, đổi mới, xây dựng Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng trong sạch, vững mạnh toàn diện”.

Đại hội này xác định phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Kỷ cương - Sáng tạo”

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 22 đồng chí. Hội nghị Lần thứ nhất Ban Chấp hành (khóa VIII) đã bầu Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 07 đồng chí, Đ/c Phạm Thanh Quan - Tỉnh uỷ viên được bầu giữ chức Bí thư Đảng uỷ; Đ/c Nguyễn Thị Phương Thảo và Lương Văn Mừng được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ. Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy gồm 05 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thế Vinh - UVBTV được bầu làm Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy.

Mục tiêu chung của nhiệm kỳ: Tập trung làm tốt công tác chính trị tư tưởng; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, tăng cường sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tư tưởng; tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể ngày càng hiệu quả, thiết thực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và quản lý đảng viên; thường xuyên đôn đốc việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết; kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc, vấn đề phát sinh.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung lựa chọn vấn đề trọng tâm, then chốt, khâu đột phá để ban hành các nghị quyết chuyên đề và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính chị và xây dựng Đảng bộ Khối trong sạch, vững mạnh, tích cức góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.

 

[1] . Nghị quyết số 34/NQ, ngày 04-6-1976” V/v thành lập đảng bộ các cơ quan dân chính Đảng “ của Ban Thường vụ tỉnh ủy Lâm Đồng, tài liệu đang lưu tại Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng.

[2] . Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 39, trang 89

[3] . Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20-5-1983 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Lâm Đồng V/v quy định thành lập các Đảng bộ khối cơ quan, tài liệu đang lưu trữ tại Đảng ủy khối cáC cơ quan tỉnh Lâm Đồng.

[4] . Quyết nghị số 04-NQ/TU, ngày 20-5-1983 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Lâm Đồng V/v những quy thành lập các Đảng bộ khối, tài liệu đang lưu trữ tại Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng.

 

Lượt xem: 4.046