Đà Lạt nỗ lực phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả In trang
11/11/2024 11:04 SA

Thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn TP Đà Lạt, theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Đà Lạt (Ban Chỉ đạo 389), các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Nhờ đó, tình hình buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng đã được kiềm chế đáng kể.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản tại Đà Lạt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản tại Đà Lạt

Lực lượng Công an TP Đà Lạt, Phòng Kinh tế Đà Lạt đã tăng cường công tác tuần tra giám sát, theo dõi, xử lý nghiêm các cơ sở có sử dụng tiếp thị không lành mạnh tại một số khu vực trọng điểm như: Chợ đêm Đà Lạt, Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, Vườn hoa TP Đà Lạt và các cơ sở kinh doanh ngành hàng đặc sản tại địa bàn Phường 8; thực hiện công khai thông tin cơ sở thường xuyên vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để du khách biết và răn đe các cơ sở còn lại.

Bên cạnh các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND TP Đà Lạt còn xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm và được TP Đà Lạt đặc biệt chú trọng. Các hình thức tuyên truyền được tổ chức đa dạng như: Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo cho các hộ kinh doanh, giúp họ hiểu rõ về các quy định pháp luật và hậu quả của việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Ngoài ra, các thông tin về công tác phòng, chống gian lận thương mại được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, giúp nâng cao nhận thức của người dân. Tổ chức các buổi tuyên truyền tại các khu chợ, khu du lịch, nhằm tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh; từ đầu năm 2024, đã tổ chức cho trên 200 cơ sở kinh doanh đặc sản ký cam kết về thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, đảm bảo kinh doanh văn minh, lành mạnh. Tổ chức treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền nhân Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 15/3/2024 tại các trục đường chính trên địa bàn thành phố.

Nhờ những nỗ lực trên, công tác phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả tại Đà Lạt đã đạt được những kết quả tích cực. Số vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã giảm đáng kể. Qua các hoạt động tuyên truyền, người dân đã có ý thức hơn trong việc lựa chọn hàng hóa, không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Việc đảm bảo chất lượng hàng hóa góp phần bảo vệ hình ảnh của Đà Lạt là một thành phố du lịch văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống gian lận thương mại tại Đà Lạt vẫn còn một số hạn chế: Công tác tuyên truyền chưa đủ sâu rộng, vẫn chưa thực sự tiếp cận được đến tất cả các đối tượng, đặc biệt là các nhóm dân cư vùng sâu, vùng xa. Mặc dù người dân đã có ý thức hơn, nhưng việc tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức xã hội, các đoàn thể. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo sức răn đe đối với những đối tượng có ý định vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, để đạt được hiệu quả cao hơn, công tác này rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn thể người dân. Việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm

Lượt xem: 55