Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ In trang
09/01/2025 08:48 SA

Trong những ngày đầu năm mới dư luận rất quan tâm đến Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (Nghị định 168). Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Nghị định 168 với 4 chương và 55 điều được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Nghị định quy định 3 nhóm hành vi tăng mức tiền xử phạt, đó là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số; cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; hành vi gây ra tai nạn giao thông. Trong đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, như: vượt đèn đỏ với người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 18-20 triệu đồng (tăng gần 4 lần so với Nghị định 100); đi ngược chiều với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với Nghị định 100)...

Những thay đổi này không chỉ làm tăng tính răn đe mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.

Nghị định số 168 được ban hành và có hiệu lực đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng xã hội. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, cho rằng các biện pháp mạnh tay này sẽ giúp giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại về khả năng thích ứng của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp trước các mức phạt rất cao…

Và dĩ nhiên, các thế lực phản động, cơ hội cũng sẽ triệt để lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật về Nghị định 168. Ở đây phải nhắc tới đó là các trang mạng của tổ chức phản động như Việt Tân, Đài Á Châu Tự Do (RFA), “Nhật ký yêu nước” hay trang cá nhân của số chống đối chính trị đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch nhằm mục đích xấu xa, tạo sự nghi ngờ giữa Nhân dân với chính quyền, nhất là với lực lượng Công an.

Trong những ngày này, chúng không từ thủ đoạn khi tung ra những bài viết, video, hình ảnh được cắt ghép để triệt để xuyên tạc.

Cụ thể là các bài viết trên trên trang của tổ chức Việt Tân như: Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông là để thuởng cho lực lượng CSGT” (ngày 02/01), “Đồng bào đã ngán “kỷ nguyên vươn mình” của CSGT chưa?” cho rằng: “Đó là hành vi ăn cướp ẩn dấu dưới vỏ bọc phạt, vì tiền phạt tăng rất cao nhưng lại không được dùng để đầu tư vào các công trình công cộng mà lại để thưởng cho CSGT; việc này là “trò” để “bù đắp ngân sách”,…

 Hay như trang RFA tiếng Việt với bài viết “Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?” (ngày 04/01) cho rằng: có thể coi Nghị định 168 là nghị định làm giàu thêm cho ngành công an bởi số tiền “ăn” trực tiếp khi “đứng đường” cũng tăng, mà số tiền được trích lại từ nguồn thu xử phạt nộp vào ngân sách cũng tăng; đồng thời, có một số video với nhiều nội dung bình luận sai lệch về Nghị định 168. Trên một số diễn đàn mạng xã hội, các đối tượng cố tình bóp méo nội dung Nghị định 168, cho rằng việc tăng mức xử phạt giao thông chỉ là công cụ để “tận thu ngân sách” hoặc “làm lợi cho lực lượng Công an”...

Đây chỉ là những giọng điệu cố tình xuyên tạc, đã tạo ra những luồng thông tin, dư luận xấu, ảnh hưởng đến việc thực thi Nghị định 168 với mục đích xưa nay chúng vẫn làm đó là: phá hoại chính sách của Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước ta, kích động mâu thuẫn, chống đối trong xã hội… Điều này càng khẳng định bản chất chống phá của chúng chứ không hề mang tính “xây dựng” như chúng vẫn rêu rao

Thực tế, nguồn thu từ xử phạt vi phạm giao thông được sử dụng để đầu tư cho hạ tầng giao thông, trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chứ không phải “trích tiền để chia nhau”, để “làm giàu thêm cho ngành Công an” như luận điệu của một số đối tượng nêu trên.

Vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần hết sức cảnh giác và có ý thức trong đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về Nghị định 168.

Được biết, để chuẩn bị một cách chu đáo, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định 168, Cục CSGT đã tham khảo nhiều nước trên thế giới; đồng thời, có đánh giá cụ thể tình hình giao thông tại Việt Nam để từ đó tìm ra phương án phù hợp nhất, tạo được sự răn đe, phòng ngừa, tuyên truyền đến từng người dân nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Theo số liệu từ Bộ Công an, trong năm 2024, trên địa bàn cả nước ghi nhận 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến 16.044 người bị thương và 9.954 người tử vong. Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, điển hình như: Đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, chất có cồn…

Trong thời đại mạng xã hội phát triển như ngày nay, không khó để thấy trên các diễn đàn, hội nhóm đăng tải vô vàn video ghi lại những vụ tai nạn giao thông với nhiều mức độ khác nhau, mà hầu hết những tình huống đáng tiếc đó đều có thể tránh được nếu như người điều khiển phương tiện tuân thủ nghiêm túc các quy định, quy tắc, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Với những quy định nghiêm khắc của pháp luật, được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, mỗi người khi tham gia giao thông tạo dần cho mình các thói quen tốt như: Dừng xe lại khi đèn đỏ; không vượt ẩu; phóng nhanh; không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia…

Rõ ràng, để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông; từ đó, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mang đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Và thực tế trong những ngày qua cho thấy: Nghị định 168 đang có hiệu ứng tốt; mức xử phạt mới theo Nghị định số 168 là cần thiết để góp phần xóa bỏ vấn nạn cố tình vi phạm luật khi tham gia giao thông.

(Nguồn Báo Lâm Đồng)

Lượt xem: 326