Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị In trang
28/11/2024 03:34 CH

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song việc tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể chưa gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại bộ máy. Vì thế, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn; quan hệ công tác giữa các cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo. Bộ máy ở các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn nhiều tầng, nấc trung gian, thậm chí có cấp không rõ địa vị pháp lý.

Trong lúc đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đến công sở chỉ làm việc được vài giờ, sau đó rủ nhau đi uống cà phê, hoặc tranh thủ đi mua sắm… hàng tháng vẫn lĩnh lương đều đặn. Nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ cản trở lớn đến sự phát triển của đất nước. Vì rằng, mỗi năm ngân sách nhà nước phải dành ra gần 70% để chi thường xuyên, trong đó phần lớn là chi trả tiền lương cho cán bộ, viên chức trong bộ máy. Thực tế nói trên đã đặt ra yêu cầu khá cấp bách phải kịp thời quyết liệt sắp xếp, tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống các địa phương, cơ sở. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, tổ chức bộ máy ngày 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu, sở dĩ Trung ương phải chủ động gấp rút xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, sẽ tổ chức lại, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, đến địa phương, ở mọi ngành, mọi lĩnh vực một cách tổng thể, toàn diện và đồng bộ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Đây là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở phải quyết liệt thực hiện. Cấp trên phải gương mẫu làm trước để nêu gương, nhất định cấp dưới phải làm theo.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 218/ NQ-CP, ngày 12/11/ 2024 đã nêu rõ: “Các bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; kịp thời xây dựng ngay phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ trước ngày 10/11/2024.

Nhằm từng bước triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ tỉnh xuống cơ sở. Ngày 24/11/2024, Tỉnh ủy đã chính thức thông qua Đề án thành lập Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới) trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ ba huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Phương án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy cùng các chức danh cán bộ chủ chốt của huyện Đạ Huoai (mới).

Kết quả việc tiến hành kiện toàn nhân sự của huyện Đạ Huoai (mới) là bước chuẩn bị quan trọng cho Đại hội Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới) sắp tới; và cũng chính là sự mở đầu cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. 

Hy vọng rằng, với chủ trương, giải pháp đúng đắn, đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian tới sẽ đạt được những kết quả tích cực, tạo ra nguồn lực, đất đai, con người để phát triển cho cả trước mắt và lâu dài.

(Nguồn Báo Lâm Đồng)

Lượt xem: 62